Đăng trong phim boylove, review phim, Uncategorized

[REVIEW PHIM] The Danish Girl và Những chi tiết bên lề

Trong mùa dịch này hẳn là có rất nhiều bạn đang rảnh rỗi và muốn tìm phim gì đó để giải trí đúng không? Là một người ở nhà mùa dịch, tuân thủ các chỉ thị giãn cách của nhà nước, mình đã tìm xem bộ phim mà mình đã muốn cày từ lâu – The Danish Girl.

Giới thiệu sơ qua về bộ phim này nhé:

  1. Tên phim: The Danish Girl
  2. Ngày phát hành: 27 tháng 11, 2015 (Hoa Kỳ)
  3. Đạo diễn: Tom Hooper
  4. Dựa trên: Tiểu thuyết cùng tên của tác giả David Ebershoff
  5. Giải thưởng: Giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất
  6. Diễn viên chính: Eddie Redmayne, Alicia Vikander

Tóm tắt:

Nội dung phim kể về một họa sĩ tài ba bỗng một ngày nhận ra một con người khác bên trong mình. Anh hứng thú khám phá, rồi dằn vặt tự trách, đấu tranh nội tâm dữ dội trong suốt quá trình tìm ra giới tính thực sự của mình. Và trong xuyên suốt quá trình khó khăn ấy, luôn có người vợ yêu thương anh hết mực chăm sóc, chở che và quan tâm anh. Người phụ nữ mạnh mẽ ấy vẫn luôn bên anh thậm chí kể cả khi anh đã biến thành “cô” cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Trong bài review này, mình xin liệt kê sơ qua những chi tiết mà mình thấy ấn tượng trong phim và tập trung chi tiết hơn phân tích những câu chuyện đằng sau chi tiết ấy. Còn để cảm nhận được hết nét đẹp và sự kỳ công của nhà làm phim cũng như sự đầu tư diễn xuất của các diễn viên thì các bạn nên mở ngay bộ phim ra xem nhé! Đảm bảo không hối hận sau khi xem đâu!

A. PHONG CẢNH VÀ MÀU SẮC PHIM

Bộ phim quay cảnh rất đẹp từ phong cảnh tới trong nhà. Mở đầu phim là những nền phong cảnh hoành tráng của đường phố Copenhagen, ấm áp và rực rỡ, đem lại sự vui tươi, thích mắt cho người xem, đồng thời cũng ám chỉ cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng Einar và Gerda.

Tuy nhiên, khi Einar nhận ra một con người khác bên trong mình, màu phim bắt đầu chuyển sang u ám với những bối cảnh chiều tà, hoang vắng của Copenhagen. Và dần dần chuyển sang sự tối tăm, lạnh lẽo khi ở Paris khi mọi thứ bế tắc, Einar phải chịu những sự ghẻ lạnh và phản đối của các bác sĩ mà anh viếng thăm, còn Gerda thì cô độc khi thiếu vắng bóng chồng, dẫu tha thiết yêu chồng thì cô vẫn yếu đuối dần đi khi trông thấy những điều Einar phải chịu đựng và cuối cùng chấp nhận Einar trong nhân dạng mới. Tới đây, mọi thứ tập trung vào các cảnh trong nhà, và sự hòa hợp trong cuộc sống của Lily và Gerda. Bối cảnh trong nhà cũng rất chỉn chu từ trang phục, đồ trang trí cho tới ánh sáng.

Thật sự, mình nghĩ đạo diễn rất tuyệt vời trong việc làm đậm bầu không khí bằng khung cảnh phim. Ông khá chú trọng nghệ thuật khi các cảnh quay phong cảnh rất đẹp và trọn vẹn, đưa cả tòa nhà và bầu trời vào bộ phim khiến người xem không rời mắt nổi. Nhưng bộ phim cũng không xa rời tâm trạng nhân vật khi càng về sau, khi tình tiết phim dồn dập, ông càng đưa người xem đến gần hơn, chân thật hơn về cả cuộc sống bên trong và nội tâm sâu kín của họ.

B. CÁCH QUAY VÀ BIÊN TẬP PHIM:

Đây cũng là một trong những điều mình muốn bàn luận. Thực sự thì mình không hiểu chuyên sâu về cách quay hay biên tập phim nhưng ở góc độ một khán giả xem phim, mình cảm thấy chính những yếu tố này đã góp một phần không nhỏ đưa bộ phim lên một tầm cao mới.

Như đã nói ở trên, đạo diễn đã đem lại những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, vừa hút mắt người xem vừa ám chỉ bầu không khí xuyên suốt mạch phim. Những cảnh đầu tiên được quay rất chậm rãi từng câu thoại, từng cử chỉ, từng ánh mắt nhân vật. Khi Einar và Gerda còn hạnh phúc, mọi thứ diễn ra thật chậm rãi và ngọt ngào, dù Gerda không bán được tranh, dù chồng cô lại là một họa sĩ nổi danh và được ca ngợi hết mực trong mỗi bữa tiệc. Tới khi Gerda nhờ chồng vào vai người nghệ sĩ múa ba lê, mặc lên đôi tất và chiếc váy thì góc quay lại chuyển tới cận cảnh từng cái run rẩy, từng ánh mắt chấn động của bản thân Einar khi cảm thấy như có một cái mầm bộc ra bên trong mình – Lily. Những phân cảnh kế tiếp khi anh còn chưa hoàn toàn chấp nhận con người mới này diễn ra chậm rãi và màu sắc phim đôi khi rực rỡ, đôi khi u buồn như thể hiện sự đấu tranh nội tâm của bản thân anh. Lúc này, các góc máy không còn tập trung vào phong cảnh mà xoáy sâu vào từng biểu cảm nhân vật. Và khi nhân vật đã hoàn toàn chấp nhận con người mới, mọi thứ bỗng nhanh và mạnh như thể Lily đã vùng lên, đã mạnh mẽ hơn, muốn vươn lên tìm lại cuộc sống đã bỏ lỡ bấy lâu. Những cảnh quay bỗng diễn ra nhanh hơn và chuyển cảnh vùn vụt khiến người xem như hối hả hơn, xao động hơn, nhập tâm hơn trong từng biến cố cuộc đời Lily. Nhịp phim ấy duy trì tới tận trước khi nhân vật qua đời và trầm lắng trong những phân đoạn cuối cùng khi Gerda an táng Lily và để mặc chiếc khăn của Lily tự do bay lượn trong gió như chính cuộc đời cô.

Có thể thấy đạo diễn và biên tập đã rất cố gắng thể hiện bầu không khí và nhịp phim qua cách họ quay và chuyển cảnh. Cảnh nào cần chậm rãi và tươi sáng, cảnh nào cần soi từng cái nhăn mày của nhân vật, cảnh nào cần lia máy và cut nhanh để khán giả cuốn theo tình tiết phim.

C. DIỄN XUẤT:

Hai diễn viên chính trong phim là Eddie Redmayne và Alicia Vikander thực sự đã lột tả xuất sắc nhân vật trong từng phân cảnh, đến nỗi mà Alicia Vikander thậm chí còn giành được giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Eddie Redmayne thì chắc hẳn không cần nói. Anh chàng là một trong những diễn viên được đánh giá cao về diễn xuất. Trong phim có rất nhiều cảnh khiến mình ấn tượng: cảnh đôi mắt và cơ thể anh run rẩy rồi như khám phá khi nhận chiếc váy và đôi tất, cảnh anh thẹn thùng mặc chiếc váy ngủ của vợ mình, cảnh anh lần mò cơ thể mình trước gương rồi giấu đi cục thịt thừa giữa hai chân, cảnh anh theo đuổi cơn mê đi tìm người đàn ông thứ hai hôn anh, cảnh anh trở thành một cô gái, hạnh phúc theo đuổi cuộc sống là chính mình,… Có vô vàn những cảnh làm mình ấn tượng về diễn xuất của anh chàng. Chi tiết hơn bạn có thể xem phim để cảm nhận rõ ràng nha!

Tuy nhiên, nhân vật vụt sáng sau bộ phim này chắc chắn phải là Alicia Vikander khi cô được vinh danh cho giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Không thể phủ nhận bộ phim lôi cuốn hơn khi có sự góp mặt của cô, đem lại những khoảnh khắc cao trào. Nữ diễn viên thể hiện xuất sắc từng sắc thái nhân vật. Đầu tiên là tâm trạng của một Gerda tức giận nhưng nhẫn nhịn khi tranh của cô không được đánh giá cao trước anh chồng tài năng; kế tiếp là một Gerda tinh nghịch và phá cách khi cho chồng diện váy áo đến bữa tiệc và bàng hoàng khi thấy chồng hôn người đàn ông khác để rồi sững sờ khi thấy chồng lúc nào cũng vận váy áo và phản bội cô hẹn hò người đàn ông ấy; sau đó là một Gerda tha thiết yêu cầu Lily trở lại làm Einar – người chồng mà cô luôn yêu, nhưng cũng là Gerda ấy lại đau lòng cho chồng khi người ấy đi chữa bệnh nhưng không thành công, còn nhiều lần bị các bác sĩ xem là bệnh nhân tâm thần cần nhốt lại; và cuối cùng là một Gerda kiên cường dẫn chồng tới tận Đức gặp bác sĩ để phẫu thuật và luôn ở bên người nay đã là Lily thậm chí tới giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Phải nói là nhân vật Gerda có rất nhiều phân đoạn tâm lý đặc sắc ngang ngửa với Einar mà chỉ khi nào xem phim bạn mới thấy rõ hết những sắc thái của nhân vật này. Đó cũng là lý do nhiều người cho rằng, tiêu đề phim “Cô gái Đan Mạch” nhằm ám chỉ cả Lily và Gerda.

D. NHỮNG SỰ THẬT CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT:

  1. Bộ phim dựa trên tác phẩm The Danish Girl của tác giả David Ebershoff:

    Thực tế, bộ tiểu thuyết này dựa trên hồi ký Man into Woman của Einar Wegener nhưng có đôi chỗ sai khác. Vậy nên bộ phim sẽ có đôi chút khác với thực tế.
  2. Sự xuất hiện của Lily Elbe:

    Lily là cái tên do người bạn thân của Gerda đặt, nữ diễn viên Anna Larssen ngoài đời thực hay nhân vật Ulla Paulson trong phim. Còn họ Elbe là dòng sông chảy qua Dresden Đức, nơi Lily “tái sinh” sau khi làm phẫu thuật chuyển giới.
  3. Liệu Einar và Lily có phải là hai nhân cách trong cùng một con người?

    Trong phim, bạn có thể thấy Lily luôn phủ nhận con người Einar trước đây của mình, thậm chí sau khi phẫu thuật, trở thành một người phụ nữ cả về thể xác và tâm hồn thì Lily không còn vẽ nữa. Và thực tế, rất nhiều bác sĩ từng chẩn đoán cho Einar cho rằng ông bị tâm thần phân liệt và sử dụng biện pháp trị liệu bức xạ.

    Tuy nhiên bàn sâu hơn về Lily, cuốn hồi ký của Lily Elbe từng hé lộ chi tiết rằng các bác sĩ khi phẫu thuật đã phát hiện ra một buồng trứng bị teo nhỏ trong cơ thể nhân vật. Cá nhân mình cho rằng, có thể Lily chỉ hơi tiêu cực và muốn phủ nhận con người trước đây và muốn sống đúng với giới tính mà bản thân mình vốn có, chứ thực tế thì cô vẫn nhớ về phần nam mà mình đã từng.
  4. Gerda có phải là đồng tính nữ?
Một trong các tác phẩm của Gerda
  • Well well, cái này mình có cảm nhận được trong nội dung phim nhưng khi tìm hiểu thêm thông tin về nhân vật ngoài đời mình cũng chết điếng. Các tác phẩm của bà đa phần về phụ nữ nhưng có một bộ phận vẽ đồng tính nữ.

    Trong phim các bạn có thể thấy một số chi tiết thể hiện điều này: khi Einar mặc váy ngủ của Gerda, cô hứng thú và vồ vập lấy anh; khi tám chuyện với bạn về cảm giác hôn Einar lần đầu cô đã nói rằng “như thể tôi đang hôn chính mình” – một chi tiết cực kỳ đắt giá trong phim; khi Einar đã biến mất, chỉ còn lại Lily thì Gerda vẫn sống chung với Lily và yêu thương, quan tâm người ấy; thậm chí, Gerda còn an táng Lily khi cô qua đời.

    Còn ngoài đời thực thì sao? Sự thực thì Gerda là người nhờ chồng mặc đồ nữ vào vai người mẫu cho bà vẽ. Cũng chính bà đã đưa chồng trong trang phục nữ tới các buổi xã giao ở Pháp nơi không ai biết họ và giới thiệu là em ruột của chồng. Bà dùng tiền bán được các bức tranh của mình để trả viện phí và thuốc thang cho Lily khi Lily quyết định phẫu thuật. Và cuộc hôn nhân của hai người họ chỉ kết thúc vào tháng 10/1930, khi vua Christian X của Đan Mạch ban hành sắc lệnh đặc biệt để huỷ bỏ cuộc hôn nhân từ năm 1904 giữa hai người và Elbe đã tìm cách thay đổi giới tính và tên của mình một cách hợp pháp. Vậy nhưng, sau khi hôn nhân tan vỡ, Gerda vẫn đi bước nữa với người chồng thứ ba. Vậy nên vẫn rất khó xác định bà có phải là đồng tính nữ hay không. 
  • Liệu Lily có yêu Gerda như cách Gerda yêu bà không?

    Trong phim, bạn có thể thấy Lily chỉ sa đà vào một cuộc chơi nhưng cuối cùng, Lily không chọn người ấy và vẫn về bên Gerda khi nhận ra người kia là một người đồng tính nam. Thực tế thì không đẹp như mơ, Lily đã yêu và lên kế hoạch kết hôn với người đàn ông có tên Claude Lejeune, một nhà buôn bán các tác phẩm nghệ thuật.
  • Có bao nhiêu cuộc phẫu thuật?

    Thực tế thì thay vì chỉ có 2 cuộc phẫu thuật được nói sơ như trong phim thì Lily Elbe đã có tới khoảng 4 ca phẫu thuật từ năm 1930-1931. Từ phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, cắt bỏ dương vật, đến cấy tử cung và tạo hình âm đạo. Bà đã không chịu nổi cuộc phẫu thuật cuối cùng cấy tử cung và qua đời do nhiễm trùng sau 3 tháng phẫu thuật.

    Có thể nói Lily đã làm một điều mà trước giờ chưa ai thành công, vì cả cấy tử cung và tạo hình âm đạo đều là quy trình mới và đang trong quá trình thử nghiệm tại thời điểm đó. Dù rất tiếc kết quả vẫn không như mong đợi nhưng bà đã sống rất mạnh mẽ và tận hưởng trọn vẹn thời gian ngắn ngủi 14 tháng.

    Vào năm 1933, hồi ký về người chuyển giới đầu tiên Lily Elbe được xuất bản sau khi được tổng hợp từ nhiều thư từ và nhật ký của bà. Quyển hồi ký đã truyền cảm hứng và động lực cho rất nhiều người giới tính thứ ba sống đúng với chính bản thân mình.

Tổng kết: Thực sự là mình một người quan tâm tới vấn đề LGBT nên cũng khá háo hức khi xem phim này. Sau khi xem phim thì cảm thấy đáng thời gian và đồng tiền bỏ ra xem. Đối với mình, phim quá xuất sắc cả về diễn viên, đạo diễn, kỹ xảo quay phim và biên kịch. Một lần nữa, nhiệt liệt đề cử phim!

Bài viết có tham khảo một số nguồn từ báo zingdân trí.

Tác giả:

Bình luận về bài viết này